Câu lạc bộ Yoga

Lời khuyên dành cho người mới tập yoga

Cập nhật795
0
0 0 0 0
Lang thang trên mạng thì tìm được một bài viết rất hữu ích về yoga, Chap tiện thể copy về Hơi Thở để chia sẻ với các bạn đây:

Yoga khởi nguồn từ Ấn Độ khoảng 7000 năm trước và được coi là một trong những hệ thống triết lý về phát triển và hoàn thiện con người tồn tại lâu đời nhất trên thế giới. Nó bao gồm các triết lý sâu sắc, hàm chứa khoa học về phát triển nhân cách, tự nhận thức, sức mạnh, sự kiên trì, lòng trắc ẩn, sự kiềm chế và tình yêu. Có thể bạn học Yoga để có sự dẻo dai bền bỉ và trái tim khỏe mạnh, nhưng Yoga còn đem lại nhiều hơn thế. Bạn tìm đến Yoga vì những bài tập thể chất và lợi ích sức khỏe thì điều đó rất tốt, nhưng để tiếp tục cuộc hành trình, bạn cần bắt đầu khám phá khoa học trí tuệ và tinh thần. Yoga sẽ thay đổi toàn bộ lối sống của bạn, giúp bạn điều chỉnh và tự cân bằng tất cả các khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Đó chính là lý do tại sao đến nay Yoga vẫn lôi cuốn và hấp dẫn nhiều người theo tập đến vậy.
Lớp học Yoga
Khâu chuẩn bị:
1. Mượn hoặc mua một quyển sách về Yoga (tốt hơn là video hoặc DVD) dành cho người mới bắt đầu. Chỉ cần đọc một vài trang sách, tập luyện một vài tư thế, động tác đơn giản ở nhà có thể giúp bạn tự tin hơn khi tham gia một lớp học Yoga. Nó sẽ đưa bạn vào trạng thái sẵn sàng để đón nhận những trải nghiệm vượt trên thể chất. Có rất nhiều loại Yoga khác nhau và mỗi loại  tập trung thiên về một mục đích (ví dụ như ép căng cơ, sức khỏe…) và việc tìm hiểu xem loại Yoga nào bạn cần học nhất là rất quan trọng.

Hãy dành thời gian đọc sách và bài ​​viết về triết lý Yoga. Việc này sẽ đẩy nhanh tiến độ của bạn!

2. Trong tuần đầu tiên, hãy đến nhiều lớp học với các giáo viên khác nhau. Hãy cho mình cơ hội để trải nghiệm sự khác biệt, và hiểu rằng mỗi giáo viên mang đến một phương pháp và quan điểm riêng để truyền đạt và thúc đẩy bạn. Hãy tìm một giáo viên mà bạn yêu thích và tin tưởng, đó nên một người giúp đỡ học viên hết lòng. Một giáo viên tốt rất vui lòng khi truyền dạy cho bạn những bí quyết luyện tập Yoga của họ. Hãy gắn bó với người đó trong một vài tháng. Điều này rất quan trọng bởi vì nó sẽ giúp bạn quen thuộc với phong cách và cách dạy của họ. Theo thời gian bạn sẽ phát triển sự tin tưởng, một nhân tố thiết yếu cho sự tiến bộ của bạn, còn người giáo viên đó sẽ hiểu rõ cơ thể của bạn hơn và có thể điều chỉnh một số bài tập cho phù hợp với bạn.

3. Vài lưu ý trước buổi tập:
Thời gian tập Yoga tốt nhất là buổi sáng (trước khi ăn sáng) hoặc tối muộn.
Cố gắng tránh ăn (trừ một bữa ăn nhẹ khi thực sự cần thiết) trong khoảng 2 giờ trước buổi tập. Nếu không bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi và nặng nề trong suốt buổi tập.
Bạn cũng nên loại bỏ hết các chất nhầy từ mũi, cổ họng và phổi của bạn.
Tốt nhất bạn nên mặc quần áo rộng và thật thoải mái để chuyển động dễ dàng.
Cố gắng đến lớp đúng giờ bởi các động tác tập luyện là theo trình tự không phải ngẫu nhiên, chúng đều có một ý nghĩa nào đó.
Nếu bạn có một chấn thương lâu dài hoặc rơi vào tình trạng sức khỏe xấu đi khi tập Yoga, bạn nên đến gặp bác sĩ để biết những tư thế nào nên tránh và thông báo cho giáo viên biết để tránh làm cho tình trạng xấu đi.

Khâu thực hiện:

1. Kiên trì, nhẫn nại
Những mục đích tốt đẹp của cuộc đời, những ý định tốt cho tương lai, thường là không khó, nhưng bao giờ cũng cần phải có một thời gian dài để thực hiện. Nó khó là ở chỗ làm thế nào giữ được sự kiên trì, nhẫn nại để theo đuổi tới cùng điều mình đã chọn.
Kiên trì, nhẫn nại khi tập Yoga
Khi bắt đầu làm một việc gì đó, thường lúc đầu thì rất hăng say và chăm chỉ, nhưng đến một lúc nào đó sẽ tự nhiên bỏ cuộc. Bản tính con người thường là như vậy, vì lẽ đó khi tập Yoga cần biết cách chế ngự tính chán nản, tập Yoga là phải tính bằng năm, hoặc nhiều hơn nữa. Thời gian đối với chúng ta thật là quý báu, thời gian “không đứng đợi”, nhìn qua nhìn lại chẳng mấy chốc thấy mình đã già, mà sự nghiệp để lại chỉ là con số không. Thất bại này là do không chọn được mục đích để theo đuổi, hay khi chọn được mục đích rồi lại không đủ kiên nhẫn để theo tới cùng mà thường hay thay đổi ý định.

2. Sự an toàn
Tập Yoga không phải là để đứng bằng đầu (động tác trồng chuối) hay vắt chân trên cổ (động tác bào thai). Tập Yoga cũng không phải là uốn dẻo mà một người có thể thực hiện được tất cả các tư thế. Yoga không có nghĩa là phô trương, không phải là nơi để thể hiện bản lĩnh để được thầy khen hay bạn bè ngưỡng mộ, thán phục. Nguyên tắc đầu tiên của việc tập luỵện Yoga, đó là “SỰ AN TOÀN”. Không nên có ý ganh đua với bạn cùng lớp mà nên tập trong phạm vi cho phép của chính mình, cố gắng từ từ mở rộng giới hạn của cơ thể nhưng không vượt quá mức cho phép. Mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, có động tác dễ dàng với mình nhưng khó với người khác, và ngược lại.

Hãy loại bỏ mọi sự “quyết tâm”- quyết tâm phải hơn người khác, quyết tâm phải đạt được kết quả. Yoga là trường học tuyệt vời cho tính kiên nhẫn và lòng tự chủ. Nó giúp cho ta từ bỏ mọi sự hơn – thua, thái độ thù địch và ngạo mạn với người khác.

3. Tâm, thân hợp nhất
Người tập luyện Yoga cần phải hiểu rằng “phong cách tập Yoga rất quan trọng”. Phong cách đó là phải giữ sự chuyển động không được vội vàng, hối hả, không có những động tác lấy đà hoặc lấy trớn. Cần thong thả trong một trạng thái tinh thần ung dung, tự tại; biết hoàn thành một cách chậm rãi, mềm mại, dịu dàng; liên tục tạo ra sự căng giãn của cơ bắp, tiếp cận với giới hạn của khả năng, vốn là yêu cầu của việc thực hiện mỗi asana. Điểm quan trọng của Yoga đó là sự quan sát, cảm nhận, tập trung và cùng với hơi thở… Người ta thường nghĩ rằng các tư thế (asana) là đặc trưng của Yoga, đó là một sự sai lầm thật đáng tiếc. Nhiều người thường hay phô trương rằng mình tập được những động tác khó, các tư thế đặc biệt, để người khác thán phục – ĐÓ KHÔNG PHẢI LÀ YOGA ĐÍCH THỰC.

Có người khi tập Yoga, trong lúc giữ tư thế bất động, mà tâm trí lại bị phân tán bởi việc cần phải giữ thăng bằng thân như động tác ốc sên, con sếu, con bò cạp, con quạ, con công v.v… Tiếp đến là gân cổ nổi lên, cặp mắt mở to và gương mặt không có được sự an lạc. Trong khi đó, có người lại ý thức từng cử chỉ, hành động từ lúc bắt đầu thực hiện động tác, chuyển động cho đến khi kết thúc giữ yên tư thế bất động mà vẫn chú tâm vào hơi thở (thở ra thóp bụng vào, hít vào phình bụng ra). Ý thức được mình đang làm gì, và luôn giữ cho tâm và thân luôn an lạc – ĐÓ MỚI LÀ YOGA ĐÍCH THỰC.

Làm được như vậy là ta đã tạo thói quen, khả năng và bản lĩnh để dể dàng thực hành phương pháp Thiền sau này, một phương pháp rất quan trọng, là đỉnh cao của Yoga.
Nguồnhttp://himalayayoga.com.vn/
Lượt xem13/11/2021
0 0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin liên quan

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng